Theo nghiên cứu, thị trường F&B Việt Nam 2021 có 20% ngân sách chi tiêu hàng tháng của hộ gia đình Việt Nam là dành cho ăn uống. Với tỷ trọng phát triển hứa hẹn, thị trường F&B luôn thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư lẫn các startup non trẻ gia nhập.
Dưới đây là một số kiến thức cơ bản cũng như các phân tích về tiềm năng phát triển của thị trường này, nhằm giúp các bạn có một cái nhìn tổng thể nhất về F&B. Cùng theo dõi nhé!
Contents
F&B là gì?
F&B là viết tắt của Food and Beverage, được biết đến là loại hình dịch vụ ẩm thực trong nhà hàng, khách sạn, khu du lịch và quầy ăn uống. Ngành F&B hay ngành dịch vụ F&B cũng xuất phát từ khái niệm F&B, nó có nghĩa là ngành dịch vụ nhà hàng, khách sạn, khu du lịch và quầy ăn uống.
Kinh doanh F&B chính là kinh doanh trong lĩnh vực ẩm thực, nhà hàng, ăn uống. Doanh nghiệp F&B chính là các doanh nghiệp hoạt động tổ chức kinh doanh trong lĩnh vực ẩm thực, nhà hàng, ăn uống.
Trên thực tế, chúng ta thường bắt gặp bộ phận F&B trong các khách sạn và các đơn vị F&B kinh doanh độc lập bên ngoài (chính là các nhà hàng, bar, café, lounge, pub,…). Tuy vậy, với tính chất song hành F&B là food (đồ ăn) và beverage (đồ uống), thì trên thực tế thuật ngữ F&B thường được dùng trong các khách sạn nhiều hơn.
Tuy nhiên trong bài viết này, chúng tôi sẽ đề cập đến dịch vụ F&B nói chung; bao gồm cả dịch vụ F&B trong khách sạn và F&B tại các đơn vị kinh doanh độc lập bên ngoài như dịch vụ nhà hàng, khu du lịch và quầy ăn uống.
|Xem thêm: Các mô hình kinh doanh FNB phổ biến 2022
| Xem thêm: Kinh nghiệm khởi nghiệp kinh doanh ăn uống ai cũng phải biết
Vai trò của ngành F&B là gì?
Bạn có thể tìm thấy dịch vụ F&B trong các khách sạn và các đơn vị kinh doanh F&B độc lập (nhà hàng, bar, cafe, pub,…). Phạm vi hoạt động của F&B ở mỗi nơi cũng rất khác nhau. Trong các khách sạn lớn, với đầy đủ tiện ích, thì sẽ có quầy giải khát và khu vực ẩm thực riêng. Còn trong các nhà hàng nhỏ hơn thì dịch vụ F&B sẽ chỉ được cung cấp trong một không gian nhất định.
Vì thế trong lĩnh vực nhà hàng và kinh doanh ăn uống, F&B giữ các vai trò quan trọng có thể kể đến:
Thúc đẩy doanh thu.
Sự phát triển của xã hội khiến nhu cầu dịch vụ của khách hàng cũng từ đó mà nâng cao hơn. Ngày nay, việc tổ chức các bữa tiệc sang trọng trong những khách sạn lớn quá quen thuộc với chúng ta. Bởi vì hoạt động này mang lại cho khách sạn nguồn thu nhập rất lớn, nên phát triển dịch vụ F&B đúng hướng trở thành chiến lược kinh doanh quan trọng, giúp gia tăng đáng kể doanh thu.
Đáp ứng nhu cầu ăn uống của khách hàng.
Để nhận được sự đánh giá cao của khách hàng, các chủ khách sạn đặc biệt chú ý đến chất lượng dịch vụ F&B. Một khi đáp ứng tốt nhu cầu giải trí, ăn uống của khách hàng, thì khách sạn sẽ nhận được phản hồi tốt, cũng như khách hàng sẽ quay lại sử dụng dịch vụ của khách sạn trong tương lai.
Gia tăng độ nhận diện thương hiệu.
Việc khách hàng so sánh chất lượng dịch vụ giữa các doanh nghiệp là điều không thể tránh khỏi. Vì vậy, cách tốt nhất giúp doanh nghiệp tạo được dấu ấn tốt đẹp với khách hàng đó là quan tâm đến chất lượng dịch vụ F&B. Những doanh nghiệp có dịch vụ F&B với giá cả hợp lý, ẩm thực độc đáo, không gian và chất lượng dịch vụ tốt sẽ có khả năng chinh phục được cả những khách hàng khó tính nhất. Có chất lượng dịch vụ tốt sẽ giúp thu hút thêm nhiều khách hàng, độ nhận diện thương hiệu cũng mở rộng hơn.
Là công cụ marketing hiệu quả.
Khi nhà hàng có những món ăn, đồ uống độc lạ có thể dễ dàng thu hút sự chú ý của công chúng. Với việc người này truyền miệng tới người kia, doanh nghiệp có thể nghiễm nhiên tiếp thị dịch vụ của mình mà không tốn chi phí, trong khi hiệu quả lại rất cao. Hơn nữa điều này vô hình chung còn giúp gia tăng giá trị thương hiệu.
Tăng doanh thu nhờ kết hợp thêm các dịch vụ khác.
Với những nhà hàng, khách sạn kinh doanh tổ hợp nhiều loại hình dịch vụ khác nhau, thì việc có dịch vụ F&B chất lượng sẽ là chiến lược kinh doanh hiệu quả giúp thu hút khách hàng tiếp tục sử dụng các dịch vụ khác. Bạn có thể hình dung thế này, ban đầu khách hàng đến khách sạn vì dịch vụ F&B của doanh nghiệp, nhưng sau đó họ phát hiện doanh nghiệp có các dịch vụ khác như spa, karaoke, shopping,…, thì họ sẽ muốn thử trải nghiệm các dịch vụ đó.
Tiềm năng phát triển của thị trường F&B.
So với thị trường thế giới thì thị trường F&B ở Việt Nam luôn giữ mức tăng trưởng ổn định nhờ vào cơ cấu dân số trẻ nên lượng tiêu thụ dồi dào. Đặc biệt trong năm 2019 những doanh nghiệp thực phẩm, đồ uống sẽ có cơ hội phối hợp cùng công nghệ 4.0 và ứng dụng hiện đại để phủ sóng thị trường Việt Nam. Đây là cơ hội tốt để thị trường F&B có cơ hội phát triển hơn ở các ngách nhỏ hơn như cung ứng suất ăn hàng không, giao hàng thức ăn tận nơi,…
Ngay cả khi tình hình dịch bệnh đã khiến cho thị trường này gặp nhiều khó khăn và có không ít thương hiệu gần như “bốc hơi” khỏi ngành. Tuy vậy, những số liệu gần đây cho thấy dấu hiệu khởi sắc và tiềm năng thị trường kinh doanh nhà hàng ăn uống khi chỉ tính riêng tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Thống kê TPHCM ghi nhận doanh thu dịch vụ ăn uống đã đạt 7.882 tỷ đồng chỉ trong tháng 10 với mức tăng 4.6% so với tháng 9. Tốc độ khôi phục đáng nể của thị trường F&B cho thấy tiềm năng phát triển của thị trường này là không thể xem thường.
Nghiên cứu thị trường F&B.
F&B là ngành công nghiệp có tính cạnh tranh cao, tốc độ đào thải nhanh và danh tiếng của doanh nghiệp ảnh hưởng rất nhiều đến hành vi của khách hàng, cho dù là nhà hàng, cửa hàng tiện lợi hoặc nhà cung cấp nguyên liệu cho doanh nghiệp.
Khi ngày càng nhiều các thương hiệu có ý định thâm nhập vào thị trường này, điều tra tìm hiểu thị trường là điều rất cần thiết. Các doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống cần phải luôn theo dõi những mong muốn và nhu cầu của khách hàng để thiết lập các chiến lược kinh doanh phù hợp.
Bên cạnh 4P – Sản phẩm, Giá cả, Phân phối, Xúc tiến truyền thống, F&B còn yêu cầu rất cao về 3 chữ P trong marketing dịch vụ: Con người (People) – Quy trình (Process) và Môi trường vật chất (Physical Evidence).
Người phục vụ là yếu tố đầu tiên khách hàng tiếp xúc trước khi thưởng thức thực phẩm, bởi vậy thái độ và phong cách phục vụ rất quan trọng. Quy trình đơn giản, tinh gọn cũng tăng thêm sự hài lòng của khách hàng, giúp khách hàng không phải chờ đợi quá lâu. Và cuối cùng, cách trang trí, không khí xung quanh sẽ khiến khách hàng thấy ngon miệng hơn, thậm chí có thể tác động lên hành vi của khách hàng.
| Xem thêm: Kế hoach marketing cho quán trà sữa mới mở thu hút khách hàng
Những vấn đề doanh nghiệp cần quan tâm.
F&B là ngành công nghiệp có tính cạnh tranh cao, tốc độ đào thải nhanh và danh tiếng của doanh nghiệp ảnh hưởng rất nhiều đến hành vi của khách hàng.
Doanh nghiệp ngoài nghiên cứu về 4P truyền thống còn cần quan tâm nghiên cứu, đánh giá về quy trình phục vụ, vận dụng những kiến thức từ sách vở, báo cáo về thiết kế không gian để gây ấn tượng với khách hàng. Nhiều doanh nghiệp thậm chí còn thực hiện nghiên cứu thái độ của khách hàng với nhân viên phục vụ để từ đó đào tạo, tuyển chọn những nhân viên phù hợp nhất.
Nghiên cứu thị trường F&B còn liên quan đến thử nghiệm vị giác, khảo sát, nghiên cứu mua sắm bí mật và hơn thế nữa. Những nỗ lực chuyên biệt này cho phép người tiêu dùng chia sẻ một cách trung thực những gì họ nghĩ về một sản phẩm, giúp chủ doanh nghiệp xác định cách thức sản phẩm của họ sẽ được công chúng tiếp nhận.
Phương pháp nghiên cứu.
Có rất nhiều phương pháp được các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng như mời dùng thử, lấy ý kiến khách hàng tại chỗ, mời làm khảo sát online… Thậm chí cũng rất nhiều doanh nghiệp chi một khoản lớn để tìm được vị trí đẹp có nhiều lượt người qua lại mỗi ngày, dễ tiếp cận với khách hàng.
Với những doanh nghiệp có sản phẩm mới như ẩm thực nước ngoài, thực phẩm nhập khẩu, thì càng cần hiểu rõ nhu cầu sử dụng của khách hàng hơn nữa, để biết sản phẩm có tiềm năng với đối tượng mục tiêu mình nhắm tới hay không.
Nhưng dù sử dụng loại phương pháp nào thì các doanh nghiệp tham gia vào thị trường F&B đều phải làm rõ được 3 vấn đề sau:
- Trước tiên, thông tin về khách hàng để xác định chính xác tập đối tượng sẽ tiếp cận trong nghiên cứu này, duy trì, cải thiện dịch vụ và định hướng phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới.
- Thông tin thứ 2 cần có là thông tin về sức cạnh tranh có thể giúp bạn xác định ưu điểm và khuyết điểm, cung cấp cho bạn ý tưởng để cải thiện sản phẩm và dịch vụ, cung cấp cái nhìn sâu sắc về cách tăng hoặc thay đổi thị phần sản phẩm.
- Phần thứ 3 là môi trường đề cập đến các yếu tố ảnh hưởng đến doanh nghiệp, bao gồm cả yếu trực tiếp lẫn gián tiếp. Thu thập thông tin về môi trường cho phép bạn bắt nhịp và phản ứng kịp thời với các xu hướng hoặc sự kiện cụ thể ảnh hưởng đến quán của bạn. Dù đó là thông tin về việc giảm lãi suất dự đoán hay việc đóng cửa một nhà máy địa phương, bạn cần nhận thức được điều đó và đánh giá ảnh hưởng đến doanh nghiệp của bạn, dù tốt hay xấu.
Cạnh tranh trên thị trường F&B.
Theo báo cáo từ Mordor Intelligence Inc, thị trường dịch vụ F&B Việt Nam đạt giá trị 24,62 tỷ USD vào năm 2020, và dự kiến tốc độ tăng trưởng kép hàng năm lên tới 8,65% trong giai đoạn 2021-2026.
Trong khi đó, theo số liệu của F&B Director, năm 2020, cả nước hiện có khoảng 637.200 cửa hàng ăn uống, trong đó có khoảng 80% cửa hàng nhỏ; khoảng hơn 8.000 cửa hàng chuyên dịch vụ thức ăn nhanh; hơn 25.000 cửa hàng cà phê, các quầy bar và trên 94.000 nhà hàng được đầu tư, phát triển một cách bài bản. Điều này cho thấy một thị trường cực kỳ lớn dành cho tất cả người chơi.
Như số liệu về tiềm năng thị trường ở trên, cơ hội vẫn luôn hiện diện cho bất cứ ai. Tuy nhiên sẽ khá nhiều thách thức với các doanh nghiệp startup trẻ.
Cũng theo ghi nhận của F&B Director, từ năm 2018, khoảng 50-60% cơ sở dịch vụ F&B có thể phải đóng cửa trong năm đầu tiên hoạt động. Và tỷ lệ thành công (có khả năng thu hồi vốn và tỷ suất lợi nhuận tiêu trung bình từ 15%/vốn đầu tư/năm trở lên) ước tính chỉ có khoảng 20%.
Một vài nguyên nhân chính dẫn tới tỷ lệ thất bại lớn khi tham gia ngành dịch vụ F&B là do doanh nghiệp thiếu kiến thức và sự chuẩn bị cho việc kinh doanh; thiếu các kế hoạch kinh doanh mà chỉ làm theo cảm tính, thói quen; mô hình kinh doanh chưa phù hợp thị trường,…
Giải pháp nâng cao sức cạnh tranh.
Để có chỗ đứng trong thị trường F&B “tỉ đô” này, các doanh nghiệp cần thay đổi nhận thức, có tư duy và chiến lược mới, trong đó, cần tiếp tục chủ động đa dạng hóa sản phẩm, tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên liệu, điều chỉnh các dòng sản phẩm mang tính tiện ích hơn, sáng tạo ra sản phẩm mới sử dụng những nguyên liệu vốn là thế mạnh trong nước, đồng thời chú trọng vào cải tiến mẫu mã bao bì đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của thị trường và người tiêu dùng.
Đẩy mạnh đa dạng hóa, hiện đại hóa các kênh phân phối, mỗi nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm cần xác định kênh phân phối phù hợp nhất cho mình; các đơn vị liên quan cần xây dựng kế hoạch quy hoạch vùng nguyên liệu thông qua những giải pháp căn cơ theo hướng tăng hiệu quả liên kết giữa các tỉnh, thành phố, giữa nông dân-doanh nghiệp sản xuất-nhà quản lý để tạo ra vùng nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ cho các doanh nghiệp ngành F&B trong sản xuất và xuất khẩu.
Chú trọng vào chất lượng thay vì số lượng. Khi các doanh nghiệp còn nhỏ, chưa có tên tuổi, thương hiệu thì việc đầu tư phát triển quy mô, mở rộng mặt bằng, chi nhánh theo cách ồ ạt, lấy số lượng mà không lường trước rủi ro tài chính là một bước đi rất sai lầm.
Thay vì cố chạy thật nhanh trên thị trường thì các chiến dịch “chậm mà chắc”, tiếp cận khách hàng trước, ghi dấu thương hiệu trong lòng người tiêu dùng. Đầu tư vào nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm đạt chất lượng, hướng tới các giá trị tốt cho sức khỏe, phục vụ đúng nhu cầu của khách hàng. Cũng là một hướng đi khôn ngoan giúp nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp.
Lời kết: Thị trường F&B có ít rào cản gia nhập, nhưng vì nhu cầu tiêu dùng lớn, tốc độ đào thải nhanh, nên vẫn là một thách thức với những doanh nghiệp muốn chinh phục.
“Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”, các doanh nghiệp không nên chủ quan mà nên tìm hiểu kĩ về thị trường trước khi bắt đầu công việc kinh doanh để giảm bớt rủi ro.