Chè là một trong những món ăn vặt hấp dẫn không thể bỏ qua trong những ngày hè oi bức. Chè bưởi được xem là một món chè được rất nhiều người yêu thích bởi hương vị thơm ngon và hấp dẫn. Nếu bạn đang loay hoay chưa biết cách nấu chè bưởi như thế nào thì đừng lo lắng, Fnb Marketing sẽ mách bạn 3 cách nấu chè bưởi thơm ngon, hấp dẫn mà không bị đắng ngay đây!
Contents
Cách lựa chọn nguyên liệu.
Cách lựa chọn bưởi nấu chè.
Không giống như cách chọn bưởi để ăn, khi nấu chè đòi hỏi cần lựa chọn những quả bưởi có cùi dày, vì như thế khi nấu chè mới ngon, giòn được. Cho dù bạn biết cặn kẽ các bước nấu chè bưởi nhưng lại làm chè bưởi từ những quả bưởi có cùi mỏng thì cũng sẽ không nhận lại được cốc chè ngon như ý nguyện bởi chất lượng của bưởi sẽ là yếu tố quyết định tới độ ngon của món chè này.
Cách lựa chọn bưởi như sau:
- Dùng tay búng nhẹ vào phần vỏ của quả bưởi và chú ý lắng nghe âm thanh phát ra, nên lựa chọn những quả phát ra tiếng bốp bốp vì thường phần cùi của chúng sẽ rất dày.
- Nên lựa chọn những quả bưởi còn tươi. Chú ý quan sát phần vỏ của quả bưởi, nếu thấy căng mọng, chạm vào còn tinh dầu, khi cầm trên tay cảm thấy chắc nịch thì đó là bưởi ngon.
- Nên lựa chọn bưởi già vỏ dày và có nhiều cùi, không nên lựa chọn bưởi non vì vỏ mỏng, ít cùi và rất dễ bị đắng. Quan sát gai trên vỏ quả bưởi, nếu chúng càng to thì quả bưởi này đã già, ngược lại nhỏ và chi chít nhau thì đó là bưởi còn non.
- Nên lựa chọn bưởi da xanh và bưởi năm roi để nấu chè.
Cách chọn đậu xanh.
Nên chọn loại đậu xanh đã tách vỏ để nấu chè bưởi, vừa giúp bạn tiết kiệm được thời gian, lại vừa đảm bảo tính thẩm mỹ cho món chè. Các lưu ý khi chọn đậu xanh:
- Về màu sắc: Nên chọn những hạt có màu vàng tươi
- Về kích thước: Chọn các hạt có kích thước đều nhau, không nên lựa chọn quá to hoặc quá nhỏ.
- Về mùi vị: Lựa chọn những hạt khi ngửi có mùi đặc trưng của đậu, không có mùi ẩm mốc, hắc hay mùi lạ.
- Về nguồn gốc xuất xứ: Nên chọn đậu xanh được đóng gói một cách cẩn thận, trên bao bì có in rõ thông tin của nhà sản xuất và hạn sử dụng.
>> Xem thêm: Chè dừa dầm Hải Phòng, Cách làm chuẩn và gợi ý top 5 quán ngon
Cách nấu chè bưởi truyền thống.
Văn hóa ẩm thực đa dạng, từ đó một món có thể có nhiều cách chế biến khác nhau để phù hợp khẩu vị mỗi vùng miền, và chè bưởi cũng tương tự. Tuy nhiên cách nấu chè bưởi truyền thống vẫn thường được mọi người yêu thích và lựa chọn hơn, nhất là các bà và các mẹ. Nếu như bạn yêu thích và quan tâm tới cách nấu chè bưởi truyền thống thì đừng bỏ qua cách nấu dưới đây.
Nguyên liệu cần có.
Chúng ta cần chuẩn bị các nguyên liệu sau để nấu chè bưởi truyền thống:
- 150g cùi bưởi
- 200g đường thốt nốt
- 45g đường trắng
- 120g đường phèn
- 200g bột năng
- 200g đậu xanh đã bóc vỏ
- 200ml nước cốt dừa nguyên chất
- 7 – 10 lá dứa tươi
- Vani
- Một số gia vị khác như muối, giấm,…
Cách thực hiện.
Cách nấu chè bưởi truyền thống được thực hiện qua các bước sau:
Bước 1: Sơ chế cùi bưởi.
Vỏ bưởi sẽ bao gồm phần vỏ bưởi màu xanh ở bên ngoài và phần cùi màu trắng bên trong. Phần vỏ màu xanh sẽ chứa một lượng tinh dầu bưởi, do đó chúng thường có vị đắng nên bạn cần dùng dao gọt hết phần vỏ bưởi màu xanh. Sau đó dùng dao gọt bớt phần xơ xốp bên trong phần cùi bưởi để khi nấu cùi bưởi được giòn hơn.
Cắt cùi bưởi thành những miếng hạt lựu có kích cỡ vừa ăn (khoảng 1 cm), không nên cắt quá to vì dễ bị sượng hay quá nhỏ vì dễ bị không giòn. Sau đó, đem cùi bưởi đã cắt xong đi rửa sạch với nước, nên rửa từ 3 đến 5 lần để loại bỏ phần tinh dầu còn dính trên cùi bưởi.
Bước 2: Ngâm cùi bưởi.
Dùng 30g muối đổ vào 500ml nước sạch, khuấy tan rồi cho cùi bưởi vào ngâm. Cách 1 tiếng thì đem cùi bưởi đi rửa với nước khoảng 3-4 lần, làm liên tục khoảng 2-3 lần cho tới khi nếm thử không còn thấy vị đắng và mặn nữa. Vắt kiệt cùi bưởi và cho vào tô sạch.
Bước 3: Sơ chế đậu xanh.
Đem đậu xanh rửa sạch rồi ngâm với nước qua đêm hoặc ngâm với nước nóng trong khoảng 2 tiếng cho đến khi đậu mềm thì mang đi hấp. Có thể cho thêm lá dứa cho vào hấp cùng để đậu thơm hơn, hấp cho tơi tới khi đậu mềm thì tắt bếp.
Bước 4: Chế biến cùi bưởi.
Cho 1 thìa giấm 25% và nửa thìa muối vào 1 lít nước, cho lên bếp đun sôi. Khi nước đã sôi thì cho cùi bưởi đã vắt kiệt vào luộc cho đến khi cùi bưởi chuyển sang màu trong thì vớt ra và ngâm vào nước lạnh khoảng 30 phút, sau đó vắt cùi bưởi cho thật khô.
Đổ 45g đường vào phần cùi bưởi đã vắt khô, trộn cho tới khi đường tan hết thì cho thêm bột năng vừa đủ vào và trộn cho bột phủ đều từng miếng cùi bưởi, dùng rây để loại bỏ bột dư ra. Đun một nồi nước sôi, khi nước sôi thì cho cùi bưởi đã trộn bột vào. Khi thấy cùi bưởi nổi lên trên mặt nước thì dùng rây vớt ra và cho vào chậu nước đá, ngâm khoảng 10 phút thì vớt ra để cho cùi bưởi ráo nước.
Bước 5: Nấu chè bưởi truyền thống.
Sau khi đã thực hiện xong các nước trên thì tiến hành cách nấu chè bưởi truyền thống như sau:
Đun khoảng 1,5 lít nước với 5 lá dứa tươi, sau đó thêm 200g đường thốt nốt, 120g đường phèn, một nửa thìa muối vào cùng, đun và khuấy đều cho tới khi nước sôi, các nguyên liệu tan hết thì vớt lá dứa ra ngoài. Hòa một chút bột năng với nước và cho vào nồi nước đang sôi một cách từ từ, dùng đũa khuấy thuật đều để tạo độ sệt vừa phải cho món chè. Sau đó tiếp tục cho phần đậu xanh đã hấp chín và một ống vani vào để tăng thêm hương vị. Khuấy đều để các nguyên liệu trộn lỗn vào vào nhau.
Bước 6: Thưởng thức.
Lấy cùi bưởi đã được nấu chín và phần chè vừa nấu cho vào ly, thêm một ít chút cốt dừa, cùi dừa tươi thái sợi, có thể cho thêm đá nếu cần.
Yêu cầu chè bưởi truyền thống.
Phần cùi bưởi phải có độ giòn, vị ngọt, không có vị đắng và khi ăn không còn bã. Phần chè có độ sệt vừa phải, đậu xanh phải mềm và bở.
>> Xem thêm: Cách Nấu Chè Hạt Sen Ngon, Công Dụng Của Chè Hạt Sen Đối Với Sức Khỏe
Cách nấu chè bưởi Huế thơm ngon.
Thành phố Huế là nơi có nhiều món ăn thơm ngon độc đáo, nhắc đến Huế thì chúng ta không thể không nhắc đến món chè bưởi. Nếu bạn muốn nấu chè bưởi như người Huế thì hãy thực hiện ngay cách nấu chè bưởi sau đây.
Nguyên liệu cần chuẩn bị.
- Cùi bưởi
- 150g đậu xanh
- 200ml nước cốt dừa
- 200g bột năng
- Vani
- Vôi tôi, phèn chua
- Các gia vị như đường, muối,…
Cách thực hiện.
Giai đoạn 1: Sơ chế cùi bưởi.
Bước 1: Tách phần cùi bưởi.
Dùng dao để tách phần vỏ và cùi bưởi, tách thành từng múi cách nhau khoảng 4cm để lúc bóc miếng cùi bưởi vẫn còn lành. Tách sâu vào tận bên trong để lấy được phần cùi bưởi nhiều nhất có thể. Lấy dao gọt sạch phần vỏ xanh ở bên ngoài, rồi dùng dao cắt phần cùi bưởi trắng thành hình hạt lựu có kích thước khoảng 1 cm.
Bước 2: Loại bỏ vị đắng.
Đem cùi bưởi đã cắt đi rửa với nước sạch 3-5 lần để loại bớt phần tinh dầu còn sót lại. Tiếp tục ngâm cùi buổi với nước muỗi loãng trong khoảng 30 phút rồi vớt ra đem đi rửa với nước 3-4 lần, sau đó vắt sạch rồi tiếp tục ngâm thêm 2-3 lần nữa. Cuối cùng vớt ra và rửa với nước lạnh vài lần để làm sạch vị đắng cũng như vị mặn trong phần cùi.
Bước 3: Làm giòn cùi bưởi.
Ngâm cùi bưởi khoảng 10-15 phút trong nước phèn chua sẽ giúp cùi bưởi khi nấu có độ giòn vừa phải. Khi nấu hay sêm với đường sẽ không bị nát ra.
Bước 4: Làm trắng và làm cùi bưởi chắc.
Hòa 10g vôi tôi màu trắng vào 2 lít nước rồi gạn lấy phần nước vôi trong để ngâm phần cùi bưởi trong khoảng 12 giờ, sau đó vớt ra và đem đi rửa với nước lạnh khoảng 3-5 lần rồi vắt ráo nước.
Bước 5: Sêm đường.
Tùy thuộc vào lượng cùi bưởi mà ướp với lượng đường sao cho phù hợp, thông thường cứ 100g cùi bưởi ta sẽ ướp với khoảng 60g đường trắng. Ướp trong khoảng 2 tiếng cho tới khi đường tan hết thì đem sêm ở lửa nhỏ. Sêm cho tới khi đường ngấm hết vào cùi bưởi và phần cùi bưởi chuyển thành màu trắng trong.
Giai đoạn 2: Các bước nấu chè bưởi Huế.
Bước 1: Sơ chế đậu xanh.
Đem đậu xanh đã chuẩn bị rửa sạch và ngâm nước trong 5 tiếng hoặc nước nóng trong 2 tiếng, sau đó vớt ra và rửa sạch rồi cho vào nồi hấp đến khi đậu chín mềm.
Bước 2: Nấu đường.
Đổ khoảng 1.5-1.7 lít nước vào nồi và đun sôi, cho vào nồi nước khoảng 500-600 g đường cát trắng và khuấy đều cho tan hết. Tuy nhiên lượng đường ít hay nhiều thì tùy thuộc vào sở thích của người dùng, nếu thích ăn ngọt thì có thể cho vào nhiều đường hơn và ngược lại. Sau đó cho phần cùi bưởi đã sêm đường vào, thêm một ít muối vừa đủ. Đun thêm khoảng 5 phút thì cho thêm đậu xanh đã hấp chín vào và khuấy thật đều.
Bước 3: Tạo độ sánh cho chè bưởi.
Hòa bột năng với nước theo một lượng vừa đủ, sau đó đổ hỗn hợp từ từ vào nồi chè và khuấy thật đều tay để tạo độ sánh cho nồi chè. Cho tới khi bột sánh lại thì cho thêm một ống vani vào để tăng hương vị, khuấy đều tay cho tới khi trộn đều các nguyên liệu lại với nhau thì tắt bếp.
Bước 4: Thưởng thức món chè bưởi Huế.
Bạn nên để chè nguội rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh để có hương vị thơm ngon nhất. Sau khoảng 3 tiếng thì dùng vá múc chè bưởi vào ly, cho thêm nước cốt dừa, dừa thái sợi hoặc dừa khô. Và bạn đã có trên tay ly chè bưởi Huế thơm ngon rồi.
>> Xem thêm: Cách làm chè bột lọc đơn giản thơm ngon ngay tại nhà
Cách nấu chè bưởi An Giang.
Có thể bạn chưa biết nguồn gốc của món chè bưởi là từ An Giang. Và cách nấu chè bưởi An Giang là một trong những cách nấu chè bưởi ngon nhất hiện nay.
Nguyên liệu cần có.
- 1 quả bưởi năm roi
- 200g đậu xanh đã bóc vỏ
- 400g đường cát trắng
- 50g bột sắn dây
- 200ml nước cốt dừa
- 50g dừa sợi
- 100g lạc (đậu phộng) rang giã nhỏ
- 50 g phèn chua
- 50g nước hoa bưởi
- Muối
Cách thực hiện.
Bước 1: Sơ chế phần cùi bưởi.
Gọt bỏ phần vỏ bưởi màu xanh bên ngoài, sau đó tách phần xơ to bên trong phần cùi. Lấy phần cùi bưởi thái thành những miếng hạt lựu có kích thước vừa ăn (khoảng 1cm). Bóp phần cùi bưởi vừa thái xong với khoảng 2 thìa cà phê muối trắng, ngâm trong nước khoảng 3 tiếng rồi vớt ra rửa sạch với nước khoảng 5-6 lần để loại bỏ vị đắng và vị mặn trong cùi bưởi.
Bước 2: Làm giòn cùi bưởi.
Đem phèn chua đã chuẩn bị giã thật nhỏ, sau đó hòa cùng 2 lít nước và ngâm phần cùi bưởi vào khoảng 15 phút thì vớt ra và cho vào nước rửa khoảng 3-4 lần để loại bỏ hết phèn chua trong cùi bưởi.
Bước 3: Luộc sơ cùi bưởi.
Đem phần cùi bưởi đã loại bỏ hết phèn chua chụng với nước sôi khoảng 3 phút, sau đó vớt ra chậu nước lạnh và vắt sạch nước.
Bước 4: Sêm đường.
Ngâm cùi bưởi đã vắt sạch nước với 100g đường cho tới khi đường tan hết thì cho lên bếp sên nhỏ lửa. Sêm cho tới khi đường bám vào cùi bưởi có độ keo nhất định thì tắt bếp. Sau đó phủ một lớp bột năng lên trên cùi bưởi vừa sêm và đảo đều tay để cùi bưởi được phù bột năng nhiều nhất.
Bước 5: Chế biến đậu xanh.
Đem đậu xanh đã chuẩn bị rửa sạch và ngâm với nước khoảng 5 giờ, sau đó vớt ra rửa sạch và cho vào nồi hấp chín.
Bước 6: Nấu chè bưởi An Giang.
Cho bột sắn dây đã chuẩn bị vào bát nước rồi khuấy thật đều để bột sắn tan hết. Đun khoảng 1.5 lít nước thêm đường vừa đủ khuấy đến khi các nguyên liệu tan hết, đun cho sôi thì hạ nhỏ lửa và cho phần bột sắn đã được khuấy tan vào một cách từ từ, dùng vá khuấy thật đều tay đến khi nước trong nồi sánh đều thì cho cùi bưởi và đậu xanh vào nồi. Tiếp tục đun thêm khoảng 3 phút cho tới khi nồi chè sôi và phần cùi bưởi chuyển sang màu trong. Bạn có thể cho thêm lá nếp, nước hoa bưởi vào nồi chè để tăng thêm hương vị, khuấy đều cho hỗn hợp thấm đều vào nồi chè rồi tắt bếp.
Bước 7: Thưởng thức.
Dùng vá múc chè ra, thêm một ít nước cốt dừa và lạc (đậu phộng rang giã nhỏ đã chuẩn bị lên trên. Và thế là bạn đã có được món chè bưởi An Giang thơm ngon ngay tại nhà rồi.
Video hướng dẫn cách nấu chè bưởi giòn, không bị đắng
Chè bưởi không chỉ có hương vị hấp dẫn, thơm ngon mà còn có tác dụng giải độc, thanh nhiệt, xua tan đi cái nóng oi bức của mùa hè. Trên đây là các cách làm chè bưởi tại nhà đơn giản, còn chần chờ gì nữa, hãy bắt tay ngay vào làm thôi nào! Chúc các bạn làm thành công như ý nguyện nhé!
Bạn có thể tham khảo:
- Cách Làm Bánh Mochi Nhân Đậu Cực Dẻo Ngon Chuẩn Vị Nhật Ngay Tại Nhà
- Khám Phá 3 Cách Làm Sữa Chua Thơm Ngon, Tốt Cho Sức Khỏe
- Bật Mí Cách Làm Sữa Hạt Sen Thơm Ngon, Bổ Dưỡng, Không Bị Tách Nước
- 5 Cách Làm Bạc Xỉu Thơm Ngon, Hấp Dẫn Dành Cho Người Nặng Tình
- 2 Cách Làm Cafe Sữa Chua, Sữa Chua Cà Phê Bọt Biển Mới Lạ