Sữa chua là một thực phẩm bổ dưỡng và phổ biến. Nó được tiêu thụ bởi người dùng ở nhiều lứa tuổi kể cả người lớn và trẻ em. Bằng cách lên men tự nhiên sữa chua mang lại những lợi ích tuyệt vời như cung cấp nhiều vitamin, men vi sinh có lợi cho sức khỏe tiêu hóa. Sữa chua có rất nhiều loại và nếu bạn đã quá quen với những loại sữa chua truyền thống thì những lựa chọn dưới đây là dành cho bạn. Cùng khám phá 3 cách làm sữa chua thơm ngon dưới đây.
Contents
Cách làm sữa chua nha đam.
Sữa chua nha đam không còn xa lạ với nhiều chị em. Với hương vị thơm ngon, béo ngậy của sữa chua và vị dai dai của nha đam chắc chắn sẽ khiến nhiều người phải mê mệt. Không chỉ là món ăn vặt ngon miệng, sữa chua nha đam còn có nhiều công dụng cho sức khỏe như làm đẹp, tốt cho hệ tiêu hóa,… Cùng khám phá cách làm sữa chua nha đam chi tiết dưới đây.
1.1. Nguyên liệu.
- 2 hộp sữa chua (200gr).
- 2 hộp sữa đặc (760gr).
- 1 lít nước.
- 120gr đường phèn.
- 1 lít sữa tươi không đường.
- 1,5kg nha đam.
1.2. Cách làm sữa chua nha đam.
Bước 1: Sơ chế nha đam.
- Chuẩn bị một thau nước cho thêm một ít muối vào.
- Gọt bỏ phần vỏ nha đam, sau đó cắt hạt lựu phần thịt nha đam. Nha đam cắt tới đâu cho vào nước tới đó. Để nha đam không bị đắng, bạn nên gọt cho thật nhanh, đừng để mủ màu vàng bám vào trong nha đam.
- Sau khi cắt nha đam xong, dùng một rổ có lỗ nhỏ, đổ nha đam vào rổ và rửa sạch, để ráo.
Bước 2: Nấu nha đam.
- Cho vào nồi 1 lít nước, nếu thích làm sữa chua úp ngược thì dùng 750ml nước. Sau đó cho đường phèn vào nồi, dùng đường phèn để sữa chua ngọt thanh và nha đam giòn ngon hơn.
- Khuấy nhẹ cho đường tan hết. Khi nước đã sôi, cho nha đam vào nồi, nhỏ lửa cho đến khi nước sôi nhẹ trở lại thì tắt bếp.
Bước 3: Nấu sữa chua nha đam.
- Cho 2 hũ sữa chua và 2 lon sữa đặc vào nồi cơm điện.
- Khuấy đều theo một chiều để sữa chua và sữa đặc hòa quyện vào nhau.
- Tiếp theo cho sữa tươi vào nồi, nếu thích ăn ngọt có thể sử dụng sữa tươi có đường và khuấy đều.
- Cho từ từ nha đam với nước đường vào (Lúc này nước đường còn ấm nóng). Cho từ từ, nếu cho nhanh quá sữa chua sẽ bị chết men.
- Lưu ý: nếu sữa chua và sữa tươi của bạn lấy trong tủ lạnh ra thì nên để cho hết lạnh rồi sử dụng.
Bước 4: Ủ sữa chua.
Cách 1: Cho nồi sữa chua vào nồi cơm điện, sau đó đậy nắp và ủ từ 12 đến 24 tiếng.
Cách 2: Cho sữa chua ra hũ nhỏ và ủ.
- Múc sữa chua ra hũ sữa chua. Nếu không có hũ sữa chua, có thể cho vào các túi nhỏ, sau đó cột lại.
- Cho sữa chua đã múc ra hũ vào nồi (hoặc thau, loại có nắp đậy) rồi đậy nắp để sữa chua lên men.
Lưu ý: khi cho sữa chua ra hủ để ủ thì sữa chua phải còn hơi ấm ấm.
- Trùm khăn/ chăn lên nồi ủ để giữ ấm cho sữa chua. Thời gian ủ càng lâu sữa chua sẽ càng chua. Trong quá trình ủ không nên mở khăn ra vì sữa chua sẽ bị mất hơi. Ở những nơi có thời tiết lạnh, nên giữ ấm sữa chua thật kỹ và thời gian lên men lâu hơn.
Bước 5: Kiểm tra sữa chua và thưởng thức
Sữa chua ủ thành công là khi úp ngược hũ sữa chua không bị chảy, hoặc khi lắc nhẹ nồi sữa chua sóng sánh không bị chảy ra nước.
Thưởng thức sữa chua ngay hoặc bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh sẽ ăn ngon hơn.
Cách làm sữa chua nếp cẩm.
Sữa chua nếp cẩm đang làm mưa làm gió trên thị trường hiện nay. Với vị chua chua của sữa chua kết hợp cùng vị bùi, thơm của nếp cẩm sẽ mang lại cho bạn món sữa chua tuyệt vời hơn hết. Cùng tìm hiểu cách làm sữa chua nếp cẩm dưới đây.
2.1. Nguyên liệu.
- 400g gạo nếp cẩm.
- 300g đường.
- 1 hộp sữa đặc (380g).
- 1 lít sữa tươi không đường.
- 1 hộp sữa chua không đường.
- 500ml nước cốt dừa.
2.2. Cách làm sữa chua nếp cẩm.
Bước 1: Ngâm nếp cẩm.
Rửa sạch gạo nếp cẩm, loại bỏ tạp chất và nếp bị hư nổi lên trên. Ngâm gạo nếp cẩm với nước ấm trong khoảng 5 tiếng.
Bước 2: Nấu sữa chua.
- Cho sữa tươi và sữa đặc vào nồi, khuấy nhẹ sữa đặc tan ra và hòa quyện với sữa tươi. Đun hỗn hợp trong khoảng 1 phút, cho đến khi sữa ấm nóng là tắt bếp. (Hỗn hợp ở khoảng 40 – 50 độ C).
- Cho sữa chua vào hỗn hợp sữa và khuấy đều.
Bước 3: Ủ sữa chua.
Đậy nắp nồi sữa chua. Dùng khăn hoặc chăn bông quấn nồi lại và bắt đầu ủ trong 8 – 10 tiếng. Ngoài ra, bạn có thể ủ sữa chua bằng nồi cơm điện, nồi ủ sữa chua, lò nướng.
Bước 4: Nấu gạo nếp cẩm.
- Sau khi ngâm gạo nếp cẩm được 5 tiếng thì đổ ra rổ và rửa sạch.
- Cho gạo nếp cẩm vào nồi cơm điện cùng với 700ml nước và nấu.
- Khi gạo đã chín và chuyển sang chế độ warm, thì mở nắp nồi và xới đều nếp nếp cẩm. Thêm vào 500ml nước, đảo đều và tiếp tục nấu.
- Khi nồi cơm chuyển sang chế độ ủ ấm, thì mở nắp và xới đều nếp cẩm, sau đó đậy nắp và ủ trong 4 tiếng (vẫn cắm điện và nồi ở chế độ warm).
- Sau 4 tiếng, phần nếp cẩm đã mềm và dẻo, thêm nào nồi 500ml nước cốt dừa. Đảo đều và bật nút nấu thêm 1 lần nữa.
- Khi nồi chuyển sang chế độ warm một lần nữa thì thêm vào 200gr đường và đảo đều cho đường tan ra hết. Lượng đường bạn có thể gia giảm sao cho phù hợp với khẩu vị gia đình. Sau đó rút điện, mở nắp nồi cho nếp cẩm nguội.
Bước 5: Hoàn thành sữa chua nếp cẩm.
- Sau khi sữa chua đã lên men, bạn trộn đều lên.
- Chuẩn bị các hũ sữa chua. Cho phần nếp cẩm vào trước sau đó cho sữa chua vào. Bạn có thể bảo quản sữa chua trong tủ lạnh và ăn dần.
Xem Thêm: Bật Mí Những Cách Làm Sữa Chua Dẻo Ngay Tại Nhà Ngon Ngất Ngây
Bật Mí Cách Làm Sữa Hạt Sen Thơm Ngon, Bổ Dưỡng, Không Bị Tách Nước
Cách làm sữa chua Hy Lạp.
Là một tín đồ eat clean và ăn kiêng, chắc hẳn bạn sẽ không xa lạ với sữa chua Hy Lạp. Sữa chua Hy Lạp là loại sữa chua được lược bớt phần nước nên ở trạng thái rất sánh và mịn. Đồng thời sữa chua Hy Lạp cũng chứa nhiều protein, canxi và ít carbs, cholesterol hơn sữa chua thông thường. Cho nên sữa chua Hy Lạp rất tốt cho những người đang ăn trong chế độ low carb và phù hợp với một số người đang trong chế độ ăn đặc biệt.
3.1. Nguyên liệu.
- 1 lít sữa tươi nguyên kem không đường ( hoặc sữa tươi bình thường).
- 2 hũ sữa chua không đường.
Nếu bạn muốn sữa chua của mình ngọt hơn, thì có thể sử dụng sữa chua có đường.
3.2. Cách làm.
Bước 1: Cho sữa tươi vào nồi, khuấy nhẹ để tránh sữa bị đóng cặn dưới nồi. Đun nóng đến 80 – 85 độ C thì tắt bếp.
Bước 2: Để sữa tươi giảm nhiệt độ từ 40 – 45 độ C, với váng sữa trên bề mặt sau đó cho 2 hộp sữa chua vào nồi, khuấy đều để sữa chua tan đều.
Bước 3: Cho sữa chua vào nồi ủ. Nếu không có nồi ủ bạn có thể ủ bằng nồi cơm điện, hoặc ủ thủ công. Nếu ủ thủ công, hãy đậy nắp nồi, sau đó dùng khăn hoặc mền bao lấy nồi để ủ.
Ủ sữa chua trong 7 – 8 tiếng.
Bước 4: Sử dụng 1 cái rây mịn (loại khuôn tròn inox), sau đó lót một miếng vải xô lên trên, đặt rây vào trong một cái tô có lòng sâu để nước tách ra không chạm vào sữa chua.
Đổ sữa chua vào rây, sau đó cột chặt vải xô lại. Bọc kín bằng màng bọc thực phẩm, sau đó để trong ngăn mát tủ lạnh từ 7 – 8 tiếng để sữa chua tách nước. Nếu muốn sữa chua đặc hơn thì bạn có thể để sữa chua tách nước lâu hơn.
Bước 5: Sau khi đủ thời gian, lấy sữa chua ra và múc ra bát và sử dụng trong bữa ăn.
Không khó để làm sữa chua đúng không nào. Mặc dù quá trình làm sữa chua mất nhiều thời gian, tuy nhiên bạn sẽ cảm thấy xứng đáng với thành phẩm mình làm ra. Hy vọng bạn thích 3 cách làm sữa chua mà chúng tôi gợi ý và có thể thực hiện thành công tại nhà. Cám ơn bạn đọc đã theo dõi.