Vào các dịp lễ Tết, ở Việt Nam có các loại bánh truyền thống như bánh tét, bánh chưng, bánh dày thì ở Nhật Bản có bánh mochi – được gọi với cái tên bánh dày nhân ngọt của Nhật Bản. Với độ thơm ngon, dẻo béo khó cưỡng đã làm cho loại bánh này cũng phổ biến với bạn bè nước ngoài. Và cách làm bánh mochi cũng không quá khó. Nếu các bạn muốn ăn thử thì cũng có thể tự làm ngay tại nhà theo các công thức dưới đây mà không cần phải đi đâu xa.
Contents
Vài nét về bánh mochi.
Mochi được xem như một loại bánh dày nhân ngọt truyền thống của người dân Nhật Bản. Nó được làm từ bột gạo nếp ngon – một loại gạo được người Nhật rất quý và xem như là tinh hoa của trời đất ban tặng. Do đó, nó thường xuất hiện trong những dịp ý nghĩa thiêng liêng như các dịp lễ Tết tại Nhật.
Loại bánh mochi phổ biến nhất ở Nhật Bản có màu trắng không nhân, nhỏ bằng lòng bàn tay, được nặn thành hình tròn. Sau khi nặn xong, bánh có thể được ăn ngay hoặc để tủ lạnh vài giờ cho mát rồi thưởng thức. Ngoài ra, có một số loại bánh được dùng để nướng.
Ngày nay, với sở thích và nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao hơn, bánh mochi được biến hóa đa dạng với nhiều loại nhân hơn. Nhưng phổ biến nhất hiện nay vẫn là bánh mochi nhân đậu đỏ. Với sự kết hợp giữa vỏ bánh gạo nếp dẻo thơm và phần nhân tạo nên hương vị đặc biệt khiến người thưởng thức phải say mê.
Cách làm bánh mochi nhân đậu đỏ truyền thống.
2.1. Nguyên liệu làm bánh.
- 150g bột nếp.
- 100g tinh bột ngô.
- 200g đậu đỏ.
- 300ml nước cốt dừa.
- 100g đường.
- 1 ống Vani.
- 1/2 muỗng muối.
2.2. Hướng dẫn các bước làm bánh.
2.2.1. Làm nhân bánh.
Đem rửa đậu đỏ qua nước, lọc bỏ hết những hạt đậu hư nổi lên trên. Sau đó vớt ra để ráo nước.
Cho đậu, nước cốt dừa và nước lọc vào nồi sao cho vừa ngập mặt đậu. Hầm cho đến khi đậu mềm nhừ ra, cạn nước thì tắt bếp.
Cho đường, muối, vani vào nồi đậu đã chín.
Cho hỗn hợp đậu vào máy xay sinh tố hoặc có thể dùng muỗng nghiền nát đậu.
Đem đậu vo thành hình tròn, sau đó chia thành các phần nhỏ bằng nhau.
2.2.2. Làm vỏ bánh.
Cho bột nếp, đường, nước vào một tô lớn và trộn đều cho đến khi thấy hỗn hợp được đồng nhất. Có thể cho thêm một chút màu thực phẩm để có màu sắc bắt mắt hơn. Nếu không muốn cho phẩm màu vào thì bạn có thể để màu trắng.
Các bạn cho bột vào lò vi sóng và hấp chín trong vòng 4 phút. Nếu không có lò vi sóng thì các bạn nên hấp cách thủy là nhanh nhất. Cho bột vào chén thủy tinh chịu nhiệt rồi hấp cho đến khi thấy phần bột sánh dẻo lại và hòa quyện với nhau là được.
2.2.3. Làm bánh mochi.
Lấy một muỗng bột năng khô hoặc bột bắp phủ lên mặt phẳng làm bột áo, nhúng ướt tay để bột không dính vào tay.
Cho bột vừa hấp chín ra lăn thành hình tròn dài. Dùng dao cắt thành nhiều phần nhỏ bằng nhau để làm vỏ bánh.
Thoa một ít bột bắp lên tay, lấy từng phần bột vừa cắt cán dẹt ra.
Cho nhân đậu đỏ vào giữa. Sau đó, khéo léo vo tròn phần vỏ bánh bao trọn lấy nhân đậu đỏ. Làm tương tự cho hết phần vỏ bánh và nhân.
Bánh mochi khi hoàn thành có lớp vỏ ngoài cùng làm bằng gạo nếp được chọn lọc, lớp vỏ bánh dẻo. Khi thưởng thức, lớp nhân đậu đỏ tan trong miệng cùng lớp vỏ bánh.
Cách làm bánh mochi nhân đậu xanh.
3.1. Nguyên liệu làm bánh.
- 150g đậu xanh.
- 100g bột gạo ngọt hoặc bột nếp.
- 125g đường.
- 150ml nước lạnh.
- Tinh bột ngô để phủ bánh (hoặc dừa nạo).
- Dụng cụ làm bánh: Nồi hấp, bát, thìa gỗ, dao, khay nướng, đĩa.
3.2. Hướng dẫn các bước làm bánh.
3.2.1. Hấp bột làm vỏ bánh.
Các bạn cho bột gạo hoặc bột gạo nếp với nước vào trong bát lớn, dùng thìa gỗ để trộn đều. Khi bạn thấy bột kết dính thành một khối mềm thì dừng lại. Lưu ý, khi cho bột nên cho từng chút để tránh bột bị nhão.
Sau khi đã trộn được bột mềm, dẻo, mang bột đi hấp cách thủy khoảng 20 phút cho bột chín. Sau đó lấy bột ra, cho đường vào và đặt bột vào lại nồi, chỉnh lửa vừa. Đầu tiên cho 1/3 số đường vào nồi, dùng thìa gỗ trộn cho đường tan hết. Công đoạn này bạn nên để lửa nhỏ, trộn đều cho đường tan và bột tạo thành một khối kết dính. Sau đó trộn 2/3 đường còn lại vào và trộn đều như lúc nãy.
Sau khi đã trộn đường xong, bạn sẽ có một khối bột mochi kết dính, bóng bẩy. Cho bột đã chín ra khay đã phủ sẵn bột ngô hoặc dừa nạo. Các bạn lấy bột phủ lên tay đầy đủ để tránh bị dính bột vào tay trong quá trình làm bánh.
3.2.2. Làm nhân đậu xanh bánh mochi.
Đậu xanh đem rửa sạch, vớt hạt hỏng rồi cho vào nồi và đổ nước vào vừa ngập đậu. Nấu mềm đậu sau đó cho vào cối xay sinh tố xay mịn hoặc nghiền nát bằng thìa gỗ. Đem đậu xanh đã nhuyễn đi sên để làm bánh.
Cho đậu xanh đã nhuyễn vào nồi và bắt lên bếp. Sau đó dùng thìa gỗ khuấy liên tục cho đến khi đậu mềm như ý thì cho đường vào tùy vào khẩu vị của mỗi người.
Sên đến khi nào đậu xanh sệt lại thì tắt bếp. Vo viên đậu xanh thành những viên tròn làm nhân bánh.
3.2.3. Làm bánh mochi.
Bột làm vỏ bánh đã hấp chín, sau khi để nguội thì nặn thành hình tròn, ấn dẹt và cho viên đậu xanh vào giữa làm nhân.
Làm lần lượt đến khi hết nguyên liệu. Nhớ vo tròn để vỏ bánh bọc kín nhân bên trong nhé.
Bánh mochi có thể thưởng thức ngay sau khi làm xong hoặc có thể đem bỏ tủ lạnh cho mát. Ngoài ra, bạn cũng có thể đem nướng để xem cách làm nào ngon hơn. Ngoài nhân đậu xanh, đậu đỏ thì nhiều người còn làm các loại nhân khác như mochi nhân socola, trà xanh, khoai môn…
3.3. Cách bảo quản bánh mochi được lâu.
Bánh mochi sau khi làm xong có thể dùng ngay. Nếu dùng không hết hoặc bạn muốn làm gửi tặng bạn bè, người thân… thì có 2 cách bảo quản bánh mochi như sau:
Có thể để bánh mochi vào ngăn mát hay ngăn đông tủ lạnh đều được. Nếu để ngăn đông thì thời gian sử dụng tầm 10 ngày. Nếu để ngăn mát thì có thể sử dụng trong khoảng 7 ngày. Bánh mochi ngon hơn khi ăn lạnh. Nên sử dụng hết trong vòng 10 ngày để đảm bảo được hương vị của bánh.
Nếu để bánh ở nhiệt độ thường thì nên sử dụng hết trong vòng 8 đến 10 tiếng là tốt nhất.
Với những cách làm bánh mochi đơn giản như ở trên, bạn có thể thực hiện bất cứ lúc nào để có được những chiếc bánh mochi xinh xắn, dẻo ngon. Với cách làm đơn giản và những nguyên liệu gần gũi, dễ tìm với người Việt thì bạn có thể tự làm mà không cần phải đi đâu xa để kiếm mua bánh mochi nữa. Chúc các anh chị thực hiện thành công nhé.